Tham dự triều chính Lê_Thụ

Triều vua Lê Thái Tông

Tháng 7, năm 1437 đời vua Lê Thái Tông, sau khi bãi chức tước của Đại tư đồ Lê sát, vua ban lời chiếu:

"Lê Sát tội không thể dung thứ, đáng phải chém để rao, nhưng trẫm tha không cho giết. Duy Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho Sát, định hại xã tắc thì phải chém bêu đầu. Nguyễn Gia Nô vì biết chuyện lại không tố cáo thì phải đày ra châu xa. Còn bọn Lê Văn Linh, Lê Lĩnh, Lê Thụ, Lê Ê, Lê Hiệu, đều phải xử phạt theo pháp luật, có ân xá cũng không được hưởng. Lê Bang vì là con rể của Sát, tự tiện ra vào nhà Sát, cho đày ra châu xa".
— Đại Việt sử ký toàn thư

[9]

Tháng 8, năm 1437 Tháng 8, lấy Thái giám tham tri chính sự Trịnh Khả làm Thiếu úy. Lấy nhập nội thiếu úy tổng quản tiền dực thánh quân Lê Thụ làm Tham tri chính sự.[9]

Cùng năm đó, nhà vua lại lấy Tham tri chính sự Lê Thận, Đỗ Đại, Nguyễn Xí, Lê Thụ làm tri từ tụng sự.[10]

Ngày 12, tháng 8, năm 1442, sau cái chết của vua Lê Thái Tông, đại thần là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Đinh Liệt, Lê Bôi tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi, lúc ấy, vua mới 2 tuổi.[11]

Triều vua Lê Nhân Tông

Ngày 22, tháng Giêng, năm 1446, Lê Thụ lúc ấy giữ chức Nhập nội đô đốc bình chương, cùng với Nhập nội đô đốc bình chương Trịnh Khả, Nhập nội thiếu phó thamdự triều chính Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành.[12]

Ngày 23, quân của Lê Thụ, Trịnh Khả, Lê Khắc Phục đến xứ, Ly Giang[13], Đa Lang, Cổ Lũy[14], mở thông đường thủy, dựng thành lũy để đánh nhau với quân Chiêm, phá tan quân Chiêm, đánh thẳng đến cửa biển Thi Nại[15].

Mùa hạ, ngày 25, tháng 4, năm 1446, quân của Lê Thụ tiến công thành Chà Bàn phá tan quân Chiêm,bắt được chúa là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi vũ khí, cùng các hàng tướng rồi đem quân về.[16]

Tháng 6, năm 1448, nhóm đại thần Lê Thụ cùng dâng sớ hặc tội mình, xin vua miễn chức. Vua Lê Nhân Tông ra sắc dụ không cho.[17]

Tháng 5, năm 1449, Lê Thụ, Trịnh Khả dâng sớ rằng:

"Ngày xưa, vào đời thịnh trị, nếu gặp tai biến của trời thì vua tự xét mình lại, đại thần nhận tội cùng lòng kinh sợ để mong dẹp yên tai biến của trời. Kính nghĩ khoảng năm Thuận Thiên thường được mùa luôn, cho đến các năm Thiệu Bình, Đại Bảo, điểm tốt có nhiều. Bệ hạ chưa tự mình trông coi chính sự, cũng không có lầm lỗi gì, thế mà lụt lội, hạn hán liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Hẳn là bọn thần không biết thể lòng thương yêu muôn dân, chăm sóc vạn vật của bệ hạ, điều hòa trái lẽ như lời chiếu đã nói. Cúi xin Thánh Từ [18] đòi bọn thần tới Chính sự đường hỏi bọn thần về việc quân, việc nước, việc gì nên làm, việc gì nên bỏ, cốt ở thực hành, không nên chỉ chuộng hư văn"
— Đại Việt sử ký toàn thư

[19]

Năm 1452, mùa hạ, tháng 4, bắt giam Thái úy Lê Thụ vì tội để con trai là Lê Thị làm bùa chú yểm đất cát.

Tháng 6, năm 1456, Lê Thụ được tha khỏi ngục.[20]

Triều vua Lê Nghi Dân

Năm 1460, Lê Nghi Dân giết vua Lê Nhân Tông. Nghi Dân tự lập làm Hoàng đế. Lê Thụ cùng với các đại thần Lê Ê, Đỗ Bí, Lê Ngang làm binh biến, nhưng việc bị phát hiện, tất cả đều bị giết chết. Cùng năm ấy nhóm đại thần Nguyễn Xí làm binh biến lật đổ Lê Nghi Dân. Nguyễn Xí tâu thăng các quan công thần tại chức hay đã chết, được ban quốc tính hay không được ban, cùng số con trai của họ chưa được thăng bổ, vua Lê Thánh Tông ra chiếu rằng:

Đã xem hết tờ tâu, trong ấy có xin cho bọn Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang theo như lệ công thần đã mất, nhưng câu ấy còn có thể bẻ lại được, là vì khoảng năm Diên Ninh, Đỗ Bí, Lê Ê ở chức cao nhất vào hàng tể thần; Lê Ngang, Lê Thụ tay cầm cấm quân, giữ việc an nguy, đáng lẽ phải dẹp yên giặc loạn, chuyển nguy thành an mới phải, thế mà chỉ biết sắp gà vào trong nồi mà để cá kình lọt ra ngoài lưới. Đến sau mưu việc không kín, đến nỗi phải phơi thây ở bên đường. Đó lại thêm một tội khác trong các tội của bọn Bí, Ngang, có khác gì tội giết vua của Triệu Thuẫn ngày xưa, sao được để cùng với những công thần đã mất?
— Đại Việt sử ký toàn thư

.[21]